Câu chuyện: Bác muốn biết sự thật kia

Người thực hiện: Cao Thị Thu Hương

            Hòa bình lập lại, mặc dù rất bận, Bác vẫn dành thời gian đi thăm bà con nông dân.

Lần ấy, vào vụ thu hoạch mùa. Anh em cảnh vệ chúng tôi được lệnh đến trước và bố trí một số chiến sĩ cùng gặt với bà con để tiện việc bảo vệ Bác.

Trên cánh đồng lúa vàng trải rộng, có khoảng năm sáu tổ đang khẩn trương gặt hái, mấy tổ gặt ở kề ngay đường, còn một nhóm gặt mãi xa trong cánh đồng lầy lội. Chúng tôi nghĩ, chắc là Bác sẽ đến thăm mấy tổ gần đường, vì vậy một số anh em trà trộn cùng dân gặt trong những nhóm đó.

Chuẩn bị xong, chúng tôi yên trí chờ đợi… Một lúc sau xe Bác đến và dừng lại gần chỗ chúng tôi bố trí. Bác xuống xe nhưng không lại chỗ bà con đang gặt gần đường. Người xắn quần tháo dép đi thẳng ra nhóm đang gặt ở đằng xa. Thấy vậy một đồng chí trong chúng tôi lúng túng gợi ý:

– Thưa Bác, chỗ đằng kia nông dân gặt đông quá ạ!

– Bác quay lại nói ngay:

– Đông gì? Các chú bố trí đấy! – Rồi Bác tiếp tục đi, Chúng tôi anh nọ nhìn anh kia ngượng quá.

Đến chỗ bà con nông dân đang gặt ở giữa cánh đồng, Bác ân cần hỏi han từ chuyện trong nhà đến việc ngoài đồng… Do hóa trang rất khéo, vả lại buổi đi thực tế của Bác rất bất ngờ, nên bà con nông dân cứ ngỡ là một cán bộ già đi qua đường xuống thăm nói chuyện với Bác rất tự nhiên, vui vẻ.

Lúc về nhà, Bác bảo chúng tôi: “Các chú nên rút kinh nghiệm, nếu làm việc gì cần phải bí mật, thì phải làm sao để không ai phát hiện được (hóa ra Bác đã nhìn thấy trong đám gặt gần đường có cả những anh “nông dân” mặc quần kaki đi gặt). Bác nói tiếp:

– Lần này đi thăm bà con nông dân. Bác muốn nói chuyện thật tự nhiên để biết rõ tình hình thực tế. Bác thì Bác muốn biết sự thật kia! Đối với nông dân, điều đầu tiên là phải chân thực!.

Qua mẩu chuyện này, Bác đã để lại cho chúng ta một bài học quý báu. Đó là vị trí, vai trò quan trọng của quần chúng nhân dân đối với cách mạng Việt Nam. Sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân lao động, người lãnh đạo phải biết lấy dân làm gốc: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Chính vì vậy, Bác luôn luôn quan tâm sâu sát, gần gũi, gắn bó với nhân dân. Tuy bận nhiều công việc của chính phủ, nhưng Bác vẫn giành thời gian thăm hỏi bà con nông dân, ân cần, động viên bà con từ việc nhà đến việc chăn nuôi, sản xuất. Yêu nước, thương dân vốn là bản chất cách mạng của Hồ Chí Minh.

Một bài học lớn khác nữa chúng ta rút ra qua câu chuyện, đó là sự nhận thức sự thật, nhận thức chân lý khách quan trong tư duy Bác Hồ. Người đặt sự thật lên vị trí đầu tiên trong nhận thức; là người cán bộ cấp trên khi đi kiểm tra phải bí mật, không để lộ cho cấp dưới, cơ sở biết để đối phó, báo cáo sai sự thật. Cán bộ lãnh đạo phải nắm được sự thật thì mới có phương pháp lãnh đạo đúng đắn. Đảng và Bác dạy ta phải nắm được quy luật thực tế khách quan, vận hành theo quy luật đó thì mới thu được thắng lợi. Không nắm sự thật, đặc biệt là sự thật của quần chúng; không nắm đúng bản chất sự việc thì không thể có nhận thức đúng, cách làm đúng. Che giấu sự thật, xuyên tạc sự thật, đánh giá sai sự thật là nguồn gốc của những sai lầm trong đời sống cũng như trong công tác lãnh đạo, quản lý. Chính vì vậy, trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, Bác cũng tìm mọi cách để đến với thực tế, tìm đúng sự thật.

Đối với chúng ta cần phải trung thực, nghiêm túc trong thi cử, trong báo cáo. Khi làm việc gì phải làm đến nơi đến chốn, tức là phải làm thật tốt công việc của mình được giao cho, tránh qua loa, hình thức. Mặt khác, sự chân thật giúp chúng ta gần gũi, thân thiện với nhau, tấm lòng chân thật là đạo đức con người Việt Nam mà mọi cán bộ, Đảng viên, giáo viên cần phải rèn luyện và trau dồi. Bác Hồ là một tấm gương ngời sáng mà mỗi chúng ta cần phải học tập suốt đời.