Câu chuyện: “CHỦ TỊCH XƯNG CHÁU VỚI DÂN”

   Người thực hiện: Ths.Trần Phi Dũng 

Câu chuyện “CHỦ TỊCH XƯNG CHÁU VỚI DÂN” là một trong các mẩu chuyện ngắn về bác được trích trong tuyển tập “Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Câu chuyện kể về cách xưng hô giản dị, coi trọng dân, xuất phát từ tấm chân thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

    Tháng 5-1948, trong một bức thư gửi cho một người dân là cụ Phùng Lục, hội viên Phụ lão Cứu quốc (80 tuổi), ở huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Đông, Bác Hồ đã viết: “Thưa cụ, những vị Thượng thọ như cụ là của quý vô giá của dân tộc và nước nhà. Trong ngày chúc thọ, cụ lại miễn sự tế lễ linh đình, mà đem số tiền 500 đồng quyên vào quỹ kháng chiến. Như thế là cụ đã nêu cái gương hăng hái kháng chiến và cái gương sửa đổi cổ tục thực hành đời sống mới cho toàn thể đồng bào noi theo. Cháu xin thay mặt Chính phủ cảm ơn và trân trọng chúc cụ sống lâu và luôn luôn mạnh khoẻ để kêu gọi các con cháu ra sức tham gia công việc kháng chiến và cứu quốc. Cháu lại kính gửi cụ lời chào thân ái và quyết thắng” – Hồ Chí Minh.

Chỉ trong một đoạn thư ngắn có hai lần Bác xưng “cháu”. Ở từ “cháu” lần một, đó là cháu với ngôi vị Chủ tịch nước thay mặt Chính phủ để viết thư. Từ “cháu” xuất hiện lần hai mang đậm tình cảm gia đình với nghĩa “con cháu trong nhà” ấm cúng hơn. Chỉ một từ “cháu” trong bức thư này cho thấy không hề có khoảng cách giữa người đứng đầu quốc gia với nhân dân. Chỉ là một cảm giác gần gũi, trật tự kỷ cương lễ giáo giữa các bề bậc trong xã hội.

      Một bức thư khác Chủ tịch Hồ Chí Minh viết gửi một cụ Nguyễn Văn Ấm ở Hải Kiến – Kiến An (nay thuộc Hải Phòng) vào năm 1946, Bác biết được mặc dù đã 94 tuổi nhưng cụ Ấm vẫn chịu khó đi học bình dân học vụ. Trong thư Bác động viên: “Cháu được tin rằng bình dân học vụ thôn ta có 17 vị trở lên… riêng cụ đã 94 tuổi mà vẫn chịu khó đi học, thật là quý hóa… Mong rằng bao giờ học xong, cụ sẽ viết thư cho cháu”. Ở đây, ranh giới giữa lãnh tụ và người dân bị xóa bỏ hoàn toàn. Tấm lòng của người viết được bộc lộ cụ thể trong từng câu chữ. Nếu chỉ đọc đoạn trích trên, khó có thể phân biệt được đây là thư của lãnh tụ Đảng gửi người dân, hay một người cháu hiếu thảo viết cho người thân của mình.

     Đứng trước dân, nếu là người già, Bác “thưa cụ”, xưng “cháu”. Bác luôn nhắc nhở cán bộ phải yêu dân, phải kính dân. Vâng, những bài học về sự yêu dân, kính dân của Bác đến nay vẫn còn giữ nguyên những giá trị cốt lõi của nó về tính nhân văn. Bài học “yêu dân và kính dân” của Bác – sự tôn trọng người dân của một vị chủ tịch nước luôn vẫn là một bài học đạo đức cho các thế hệ người dân Việt Nam nhất là các cán bộ ghi nhớ và học tập.