Chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: “Suy nghĩ về hai chữ công bằng”

 

Người thực hiện: Nguyễn Văn Thành

Hồ Chí Minh coi công bằng xã hội là một trong những đặc trưng mang tính nhân văn của chế độ xã hội mới: chủ nghĩa xã hội là “một xã hội không có chế độ người bóc lột người, một xã hội bình đẳng”

         Theo Bác công bằng không có nghĩa là cào bằng, bình quân chủ nghĩa, tất cả đều như nhau, Người viết: “Con người có trí tuệ, năng lực, thể chất khác nhau nên có cống hiến khác nhau, không nên có tình trạng người giỏi, người kém, việc khó, việc dễ cũng công điểm như nhau.

Khi nói đến công bằng xã hội tại kỳ họp Hội đồng Chính phủ cuối năm 24/12/1966 Người chỉ rõ: Trong công tác lưu thông phân phối có hai điều quan trọng luôn phải nhớ:

“Không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng

Không sợ nghèo chỉ sợ lòng dân không yên”

Người khẳng định rằng trong chế độ xã hội thực dân không có công bằng xã hội mà công bằng xã hội chỉ có trong xã hội mới: “Nhà nước ta ngày nay là của tất cả những người lao động… Nhân dân lao động là những người chủ tập thể của tất cả những của cải vật chất và văn hóa, đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ”

Công bằng xã hội trong tư tưởng Hồ Chí Minh thường được gắn kết với bình đẳng xã hội tức là mối quan hệ giữa quyền lợi với nghĩa vụ, bình đẳng giữa nghĩa vụ với quyền lợi, bình đẳng giữa người với người trong việc thực hiện nghĩa vụ và hưởng thụ quyền lợi ấy, đó chính là thực hiện công bằng xã hội.

Trong phân phối công bằng theo Người là: “Làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm thì không được hưởng”. Đây cũng là nguyên tắc phân phối công bằng cơ bản trong điều kiện nước ta hiện nay. Do đó, sự bình đẳng của những người lao động trong mối quan hệ giữa nghĩa vụ và quyền lợi, mà cụ thể là sự ngang bằng nhau về địa vị làm chủ nước nhà, làm chủ tư liệu sản xuất, bảo đảm cho mỗi người đều có thể phát huy mọi khả năng của mình để vươn tới một cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Trong quan điểm Hồ Chí Minh, công bằng và bình đẳng là một mục tiêu của sự nghiệp xây dựng chế độ xã hội mới. Mục tiêu của chủ nghĩa xã hội là không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân là phấn đấu: “Làm cho người nghèo đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người giàu thì giàu thêm…”

 Bên cạnh đó, Người rất chú trọng đến điều kiện để thực hiện công bằng xã hội đó là lợi ích cá nhân, nhằm động viên mỗi người không ngừng phấn đấu, cống hiến nhiều nhất cho xã hội, đồng thời đấu tranh chống lại chủ nghĩa cá nhân.

Như vậy, Hồ Chí Minh đã có quan điểm về công bằng xã hội khá toàn diện và sâu sắc. Thực chất của công bằng xã hội theo Người là không gì khác ngoài mối quan hệ giữa giữa cống hiến và hưởng thụ. Người khẳng định công bằng xã hội là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội mà chúng ta cần phải vươn tới. Công bằng xã hội phải được thể hiện đầy đủ trong việc giải quyết quan hệ giữa phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề xã hội, giải quyết hài hòa giữa quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người. Công bằng xã hội là trách nhiệm chung của nhà nước, của toàn xã hội trong việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi của nhân dân và tạo ra điều kiện thuận lợi để nhân dân hoàn thành nghĩa vụ, quyền lợi của mình đối với nhà nước và xã hội.

 Qua nghiên cứu và học tập Tư tưởng Hồ Chí Minh mỗi chúng ta nói chung và Thầy – Trò Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng nói riêng phải ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức của người từ ý nghĩ cho tới hành động. Cần đặc biệt coi trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cách mạng, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm nâng cao lý luận, phương pháp tư duy biện chứng, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Di chúc của Người.