Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về trung thực…

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

về trung thực, trách nhiệm, gắn bó với nhân dân; Đoàn kết xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh

Năm 2015 Ban Tuyên Giáo trung ương, bộ phận giúp việc về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh Trung ương, triển khai chủ đề: “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về trung thực, trách nhiệm, gắn bó với nhân dân, đoàn kết, xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh”
Trung thực, trách nhiệm theo tư tưởng Hồ Chí Minh là Trung thực, thành thực với chính mình, với mọi người, với công việc, chân thật với từng lời nói và việc làm. Người trung thực không chấp nhận gian dối trong bất kỳ việc gì. Trung thực làm nên tính cách tự trọng, thẳng thắn của cá nhân, tạo nên uy tín, sức mạnh cho tập thể. Sống trung thực đòi hỏi phải dũng cảm và nghiêm khắc với chính bản thân. Do đó trung thực luôn gắn với trách nhiệm
Trung thực là phẩm chất hàng đầu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Những người thiếu trung thực, sớm muộn cũng bị phát hiện làm mất lòng tin của người khác. Người thiếu trung thực không thể duy trì mối quan hệ chặt chẽ, lâu dài với những người xung quanh. “Một sự bất tín, vạn sự bất tin”. Để củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, nhà nước, hơn lúc nào hết cần phải đề cao tính trung thực đi đôi với nâng cao trách nhiệm của từng cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý.
Trung thực, trước hết là sự trung thực với chính mình, nghiêm túc với chính mình, trung thực với người khác, không được “ Nói mà không làm”. Lời nói, lời hứa chỉ có giá trị khi gắn liền với việc làm cụ thể. Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên “ Nói ít, bắt đầu từ hành động”, “Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước”. Cán bộ, đảng viên “ Cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Chứ không phải, chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Đối với đảng Hồ Chí Minh yêu cầu “ Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành như thế nào? Nếu không như vậy thì những Nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin của nhân dân đối với đảng”. Đảng phải luôn luôn tự đổi mới, tự chỉnh đốn để hoàn thành trách nhiệm trước nhân dân. Có sai lầm, khuyết điểm thì dũng cảm nhân lỗi trước nhân dân và kiên quyết dựa vào dân để sửa chữa khuyết điểm.
Trách nhiệm là điều phải làm, phải gánh vác, phải nhận lấy về mình. Hồ Chí Minh coi trách nhiệm là việc phải làm, không thể thoái thác. Trách nhiệm là bổn phận của mỗi người, dù ở cương vị nào. Ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân là sự tự ý thức về các công việc phải làm, nhận rõ phải, trái, đúng, sai , xác định việc cần phải làm. Biểu hiện cụ thể của trung thực, trách nhiệm là nói đi đôi với làm. Đó là nguyên tắc thực hành đạo đức, là phương châm hành động, biểu hiện cụ thể của việc quán triệt sâu sắc nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, giữa suy nghĩ và hành động trong một con người. Trung thực, trách nhiệm là phải nói và làm đúng với chủ trương đường lối của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, không được vì lợi ích cá nhân mà nói sai, làm sai. Trung thực, trách nhiệm cũng có nghĩa là kiên quyết bảo vệ chân lý, bảo vệ cái đúng, cái tích cực; nghiêm khắc tự phê bình, phê bình, thẳng thắn nhìn nhận khuyết điểm của cá nhân và tổ chức mình, để tích cực sửa chữa hạn chế, khuyết điểm. Đối với cán bộ, đảng viên, trung thực, trách nhiệm, trước hết là trách nhiệm với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân, sau đó là trách nhiệm với bản thân, gia đình, quê hương. Xây dựng, rèn luyện để có bản lĩnh vững vàng, có niềm tin vững chắc vào mục tiêu, lý tưởng cách mạng của đảng, phấn đấu vì mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ văn minh”.
Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về trung thực, trách nhiệm, thể hiện rõ nhất là trách nhiệm với Tổ quốc, với đất nước. Từ lòng yêu nước, thương nòi, Người xác định trách nhiệm của mình là phải tìm ra con đường cứu dân, cứu nước đúng đắn. Từ đó Người mang theo hoài bão, khát vọng giành lại độc lập cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân. Sau khi tìm được con đường cứu nước, Hồ Chí Minh xác định trách nhiệm phải thức tỉnh dân tộc Việt Nam, trước hết là lớp thanh niên, trí thức yêu nước, về con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Cuộc đời và hoạt động của Hồ Chí Minh, không có gì khác, là sự thống nhất giữa mục tiêu, lý tưởng và hành động; giữa tư tưởng đạo đức và thực hành đạo đức cách mạng, đạo đức làm người. Trung thực, trách nhiệm trong tư tương Hồ Chí Minh thể hiện rõ ràng, xuyên suốt trong lẽ sống và lối sống của Người, đặc biệt là lối sống trọng danh dự, trung thực, giữ chữ tín, nói đi đôi với làm, nêu gương, làm gương trước mọi người. Lối sống, phong cách của Hồ Chí Minh thể hiện rõ phương pháp; muốn người khác nghe theo, làm theo thì phải là con người có tấm lòng trong sáng, phải chính tâm, phải thật sự là tấm gương.
Trung thực, tránh nhiệm, theo Hồ Chí minh còn là nếp sống giản dị, thanh bạch, khiêm tốn: Người ở ngôi nhà sàn đơn sơ, đi dép cao su, mặc áo vá vai, dùng loại ô tô đơn giản nhất, dùng quạt bằng lá cọ, bữa ăn đạm bạc với tương cà quê hương…Với Đảng, Nhà nước, Hồ Chí Minh nhận rõ trách nhiệm, đó là sự ủy thác của quốc dân, đồng bào “ Cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận” . Cả cuộc đời Người chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là “Nước ta được hoàn toàn độc lâp, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
Gắn bó với nhân dân: Là một nguyên tắc, quy luật tồn tại và phát triển của Đảng, muốn gắn bó với nhân dân, trước hết người cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên “ việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”. Trong tư tưởng của Người, quần chúng nhân dân là quý nhất, sức mạnh của nhân dân là vô địch.Vì vậy trong phần lớn cuộc đời hoạt động Người luôn sâu sát nhân dân, lắng nghe dân, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin, dựa vào dân để giải quyết những công việc khó. Người căn dặn Đảng, Nhà nước phải hết sức chăm lo cho gia đình chính sách, đồng bào, chiến sĩ đã có công với đất nước. Đó là sự thể hiện lòng biết ơn đến sự hy sinh của đồng chí, đồng bào để chúng ta có cuộc sống như ngày hôm nay. Do vậy mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta không được phép sống xa rời nhân dân.
Đoàn kết xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh: Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của đảng ta, nhờ đoàn kết mà đảng đã tạo nên sự thống nhất về ý chí và hành động, sức mạnh to lớn, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ giành được những thắng lợi vẻ vang. Ngày nay đất nước ta đang đứng trước những thời cơ và những thách thức đan xen, việc xây dựng đảng trong sạch vững mạnh đủ sức lãnh đạo cách mạng giành thắng lợi mới là điều quan trọng. Muốn vậy phải tăng cường công tác giáo dục đạo đức trong đảng về tính trung thực, tính trách nhiệm về sự gắn bó máu thịt với nhân dân, đoàn kết xây dựng đảng trong sạch vững mạnh cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đẩy mạnh và thường xuyên thực hiện Nghị quyết TW4 “ một số vấn đề cấp bách về xây dựng đảng”, đặc biệt là đấu tranh chống suy thoái về chính tri, tư tưởng, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về trung thực, trách nhiệm, gắn bó với nhân dân, đoàn kết xây dựng đảng trong sạch vững mạnh. Toàn thể Thầy trò, CBCCVC Trường Cao Đẳng Y tế LĐ nghiêm túc quán triệt, triển khai đến từng cán bộ, đảng viên và yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, thầy cô giáo CCVC, lao động cần phải xây dựng lối sống trung thực, trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân, với bản thân, với bạn bè, đồng chí. Phải khắc phục tình trạng thiếu trung thực, dối mình, dối người, dối Đảng, dối dân, phải đấu tranh chống lại thói ích kỷ, tính tham lam; kiên quyết chống thói vô cảm, “ Đục nước béo cò” khi người khác gặp hoạn nạn.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về trung thực, trách nhiệm phải tạo ra sự chuyển biến về tình cảm và nhân cách: tôn trọng chân lý, yêu cái đúng, ghét cái sai, tôn trọng sự thật, lẽ phải, sống ngay thẳng, thật thà, dũng cảm nhận lỗi khi mình mắc khuyết điểm. Phải tự giác phấn đấu, rèn luyện đạo đức, tự phê bình, phê bình, cầu thị sửa chữa khuyết điểm, khắc phục những hạn chế, tiêu cực, phát huy những ưu điểm và mặt tích cực.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về trung thực, trách nhiệm, gắn bó với nhân dân, đoàn kết xây dựng đảng trong sạch vững mạnh, cần phải nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chủ chốt, đảng viên trong thực hiện nêu gương theo các quy định của Trung ương, của Tỉnh; chấn chỉnh, khắc phục tình trạng “ nói một đàng, làm một nẻo”, “nói mà không làm”. Mỗi cấp ủy viên, trưởng các cơ quan, đơn vị phải nghiêm túc chấn chỉnh, thực sự nêu gương về phẩm chất “trung thực, trách nhiệm”. Thành thực với chính mình, với mọi người, với công việc; luôn chân thật trong từng lời nói, hành động, nói đi đôi với làm; tự xác định những công việc cần làm, có ý thức đúng đắn về việc làm, trách nhiệm của mình trên cương vị, vị trí công tác đang đảm nhiệm, luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích của bản thân.
Toàn thể CBCCVC, Thầy và trò toàn trường nghiêm túc thực hiện việc học tập chuyên đề tấm gương đạo đức HCM năm 2015. Đưa nội dung và làm theo tấm gương đạo đức của Bác đi vào nề nếp trong sinh hoạt của chi bộ, của nhà trương và trong từng Khoa, Phòng, Bộ môn; phát huy các kết quả đạt được trong thời gian qua, khắc các hạn chế và nghiêm túc phê phán các hiện tượng thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm, gắn bó với nhân dân. Nâng cao hơn nữa nhận thức quan trọng của chủ đề về “trung thực, trách nhiệm, gắn bó với nhân dân, đoàn kết xay dựng Đảng vững mạnh” xem đây là nhiệm vụ, công việc thường xuyên, hàng ngày, là trách nhiệm của mỗi cán bộ đảng viên, giảng viên, CBVC và của các tổ chức đoàn thể trong nhà trường.

Bài sinh hoạt chính trị dưới cờ ngày 6/7/2015 
BSCKI Trần Thanh Định
Phó Bí thư – Phó Hiệu trưởng