Câu chuyện: “Chú còn trẻ, chú vào hầm trú ẩn trước đi”

Người đọc: Ths.Trần Phi Dũng – Khoa ĐD-KTYH – Ngày 9/3/2015

 Câu chuyện được  trích trong “120 chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Câu chuyện kể về một trong những phong cách lãnh đạo xuất phát từ tấm chân thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bất chấp mọi hiểm nguy, bao giờ Bác cũng là người nhường phần an toàn cho người khác. Câu chuyện có nội dung như sau:

Một ngày tháng 7 năm 1967 ở Hà Nội, đồng chí Mai Văn Bộ được Bác Hồ gọi đến mời cơm tiễn chân trước khi đồng chí lên đường đi Paris nhận nhiệm vụ Tổng đại diện Chính phủ của ta bên cạnh Chính phủ Pháp. Trong bữa cơm, Bác kể chuyện về khu Luýc-Xăm-Bua, Mông-Pac-Nát, nơi Bác đã có nhiều kỷ niệm. Bác nói Bác rất yêu Paris, Paris đã dạy cho Người nhiều điều…

Đang nói chuyện, bỗng tiếng còi báo động rú lên. Một chiến sĩ bảo vệ yêu cầu Bác và các đồng chí khác xuống hầm trú ẩn. Ít phút sau đã nghe tiếng đạn nổ.

–         Thưa Bác, tác chiến báo cáo chúng nó đánh cầu Long Biên. Mời Bác vào hầm trú ngay cho.

Bác quay lại đồng chí Bộ, nói:

–         Bác già rồi, chẳng bom đế quốc nào ném đâu. Chú còn trẻ, chú cần vào hầm trú ẩn trước đi.

Nói rồi, Bác đẩy đồng chí Bộ đi trước, sau đó đến đồng chí Phạm Văn Đồng, đồng chí cảnh vệ. và Bác là người vào hầm trú ẩn sau cùng.

Câu chuyện tôi kể đến đây là hết rồi, nhưng dư âm của câu chuyện như vẫn còn đọng lại trong lòng của mỗi người chúng ta, đức hy sinh cần có của một người lãnh đạo, một người đi trước đối với cấp dưới của mình, đối với những thế hệ nối tiếp sự nghiệp của mình không chỉ là những lời nói suông, nói cho có, nói lấy lệ mà nó phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể, những hành động mang tính nhân văn và thiết thực xuất phát từ những tình cảm thật sự. Câu chuyện như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng và đáng để chúng ta học tập áp dụng khi xử lý các mối quan hệ trong nhà trường.