KẺ THÙ TRONG LÒNG TA MỚI LÀ KẺ THÙ NGUY HIỂM NHẤT

KẺ THÙ TRONG LÒNG TA MỚI LÀ KẺ THÙ NGUY HIỂM NHẤT !
V.I.Lênin từng nói: “Không có kẻ thù nào, dù là hung bạo nhất, có thể chiến thắng được những người cộng sản, ngoại trừ chính họ tự tan rã, chính những lỗi lầm của họ và họ không kịp sửa chữa”. Đó có thể xem như là “lời di chúc” cho tất cả những người Cộng sản trên toàn thế giới phải luôn tự răn mình, để thường xuyên tự đổi mới, tự chính đốn; để kiên quyết loại trừ những con người nhạt phai lý tưởng, “tự diễn biến” và dẫn đến tự chuyển hóa.
Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu có rất nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân cơ bản nhất, là gốc rễ của sự sụp đổ của “người anh cả của CNXH” lại xuất phát từ chính “kẻ thù nội tại” là sự “tự diễn biến” và dẫn đến “tự chuyển hóa” và sụp đổ; cần lưu ý rằng Đảng Cộng sản Liên Xô mất quyền lãnh đạo, Liên Xô tan rã mà không thông qua một cuộc chiến tranh với chủ nghĩa đế quốc.
Đối với Việt Nam chúng ta, trong nhiều năm qua và nhất là giai đoạn hiện nay, thì kẻ thù đáng sợ nhất, nguy hiểm nhất, khó chiến thắng nó nhất lại chính là những kẻ thù ngay trong lòng ta, kẻ thù giấu mặt, những thứ “giặc nội xâm”. Những loại này nằm lẩn khuất trong đội ngũ, rình rập trong chính mỗi người, nếu chúng ta mất cảnh giác hoặc do dự, ngập ngừng hay dao động, hay thiếu kiên quyết. Nguy hiểm hơn là rất khó nhận biết chúng, vì chúng biến ảo khôn lường: Chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa thực dụng và đặc biệt là “chủ nghĩa quay giáo, trở cờ”… được ngụy trang, trá hình dưới muôn vàn màu sắc và “giặc nội xâm cần phải xác định là kẻ thù nguy hiểm nhất của chúng ta, cần phải nhận diện đúng để có kế sách đối phó, bảo đảm chiến đấu và thắng lợi trước chúng.
Hiện nay, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với các biểu hiện khác nhau như: Thờ ơ, dao động về tư tưởng chính trị, bàng quan trước vận mệnh của Đảng, của dân tộc, trước khó khăn của đất nước, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc; phai nhạt lý tưởng cách mạng, thiếu niềm tin vào Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hoài nghi về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Một số cán bộ, đảng viên, trong đó có người trước đây từng giữ cương vị, trọng trách trong các cơ quan đảng, chính quyền có những ý kiến lệch lạc, nhìn nhận phê phán lịch sử thiếu khách quan, toàn diện, đòi đa nguyên, đa đảng, công khai đả kích, phủ nhận những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, cộng tác với thế lực thù địch, phản bội lại lợi ích dân tộc.
Nguồn: Hào khí Nam Tây Nguyên