Hỗ trợ việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp: Thực trạng, Mô hình và Giải pháp

  1. MỞ ĐẦU

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã là kim chỉ nam cho việc đào tạo nguồn nhân lực bảo đảm cho việc xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam theo khát vọng “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh” (Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng). Căn cứ vào mỗi trình độ đào tạo được quy định tại Luật Giáo dục (Luật số 43/2019/QH14), Luật Giáo dục nghề nghiệp (Luật số 74/2014/QH13), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14); Chính phủ và các cơ quan trực thuộc đã xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực giáo dục nghề nghiệp (Quyết định số 2239/QĐ-TTg, ngày 30/12/2021: Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2045), chiến lược phát triển giáo dục đại học gắn liền với đổi mới sáng tạo (Dự thảo khung chiến lược phát triển giáo dục đại học giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045), đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao (Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng).

GS.TSKH. Dương Quý Sỹ – Hiệu trưởng Trường CĐYT Lâm Đồng ký kết kế hoạch hàng năm trong hợp tác xây dựng chương trình đào tạo tiên tiến với Đại học Y khoa Penn State- Hoa Kỳ (Top 50 trường hàng đầu thế giới).

Do vậy, việc xây dựng cơ chế – chính sách nhằm tạo việc làm và hỗ trợ việc làm cho người học (sinh viên) sau khi tốt nghiệp là một trong những vấn đề quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Mục tiêu của việc xây dựng cơ chế – chính sách nhằm triển khai các giải pháp tạo nguồn nhân lực tham gia đồng bộ và hiệu quả vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, hạn chế mức thấp nhất tình trạng thất nghiệp sau đào tạo hoặc làm việc trái ngành nghề do đào tạo không theo sát thực tiễn nhu cầu nguồn lao động của các đơn vị tuyển dụng, đặc biệt là các ngành nghề đặc thù.

2.THỰC TRẠNG VIỆC LÀM VÀ HỖ TRỢ VIỆC LÀM CHO SINH VIÊN SAU TỐT NGHIỆP

2.1.Thực trạng việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp

Theo thống kê khảo sát việc làm và thất nghiệp trong những năm gần đây và trước đại dịch COVID – 19 bùng phát tại Việt Nam, hàng năm có gần 130.000 cử nhân đại học thất nghiệp và cũng hơn 80.000 người lao động có bằng cao đẳng thất nghiệp hoặc làm việc trái ngành nghề sau đào tạo (Molisa 2018). Đặc biệt sau 2 năm bùng phát đại dịch COVID-19 trên toàn cầu và tại Việt Nam (tháng 3/2020 – 3/2022), tỷ lệ người thất nghiệp sau đào tạo ngày càng tăng cao vì nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực ở mọi bậc học giảm sâu trong cả nước do bởi hoạt động của một số doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế – xã hội, tổ chức giáo dục – tài chính đều bị đình trệ, giải thể, thậm chí phá sản trong thời gian dịch bệnh. Do vậy, giai đoạn dịch bệnh COVID-19 đã làm hạn chế cơ hội việc làm cho người học sau đào tạo và tác động của đại dịch vẫn còn ảnh hưởng đến nhu cầu nguồn nhân lực hiện nay. Việc xây dựng cơ chế – chính sách đặc thù trong việc tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp hiện nay luôn là vấn đề cấp thiết.

2.2. Thực trạng việc hỗ trợ việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp

Việc làm sau khi tốt nghiệp luôn là mối quan tâm lớn nhất của người học, của các cơ sở đào tạo, gia đình và xã hội. Tuy nhiên thực trạng hiện nay cho thấy một tỷ lệ không nhỏ người học sau tốt nghiệp bị thất nghiệp vì không có việc làm phù hợp, hoặc không đáp ứng đủ các yêu cầu của nhà tuyển dụng do bởi một phần có liên quan đến cơ chế – chính sách hỗ trợ việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp chưa được thực hiện một cách đồng bộ và có hiệu quả trong toàn hệ thống đào tạo nguồn nhân lực và nhà tuyển dụng, đi cùng với sự thiếu định hướng nghề nghiệp của học sinh các cấp chưa được hướng nghiệp phù hợp với nguyện vọng và năng lực cá nhân, điều kiện kinh tế – xã hội của cộng đồng và nhu cầu của nhà tuyển dụng.

Thực trạng đào tạo nguồn nhân lực hiện nay cho thấy các cơ sở đào tạo chưa thật sự quan tâm đến chính sách hỗ trợ việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp. Đa số các cơ sở đào tạo tập trung chủ yếu đến số lượng – chất lượng đầu vào, các ngành nghề có tính thu hút cao. Tuy nhiên, lại chưa quan tâm đúng mức về nhu cầu của nhà tuyển dụng và các điều kiện tuyển dụng đặc thù của từng doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế – xã hội có những yêu cầu chuyên biệt cho từng vị trí việc làm. Tỷ lệ các cơ sở đào tạo bảo đảm 100% cho sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với các ngành nghề được đào tạo là hầu như không có số liệu được công bố chính thức tại Việt Nam. Thực trạng hiện nay cho thấy chỉ có một số rất ít cơ sở đào tạo có chính sách hỗ trợ việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp; tuy nhiên nếu có cũng chỉ tập trung vào một số ngành nghề có chỉ số thu hút thấp, chế độ đãi ngộ không cao, cơ hội học tập nâng cao và thăng tiến nghề nghiệp thấp.

Bên cạnh đó, với tỷ lệ tăng nhanh của hệ thống đào tạo tư nhân và xã hội hoá, các ngành nghề đào tạo thu hút người học được đào tạo đại trà không theo nhu cầu thực tiễn của nhà tuyển dụng và thiếu sự gắn kết trong đào tạo – tuyển dụng – cơ hội việc làm đã làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên sau tốt nghiệp. Đặc biệt các cơ sở đào tạo luôn có khuynh hướng xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh chủ yếu theo thông số cơ học của nguồn lực giảng viên, cơ sở vật chất, không dựa trên nhu cầu nguồn nhân lực và chính sách phát triển quốc gia theo từng giai đoạn cụ thể và chiến lược phát triển của nguồn nhân lực theo ngành nghề đã được định hướng. Thực trạng cho thấy các cơ sở đào tạo chưa thật sự chủ động trong việc xây dựng các giải pháp nhằm tạo cơ hội việc làm sau tốt nghiệp cho người học và không có cam kết pháp lý về đảm bảo đến mức tối đa cho người học có việc làm sau tốt nghiệp; ngoại trừ một số ngành học theo đặt hàng và cam kết tuyển dụng của các đối tác trong liên kết đào tạo; tuy nhiên hình thức này chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với số lượng hàng năm có hơn 300.000 sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng.

Sau cùng, thực trạng hiện nay cho thấy cơ hội việc làm thu hẹp dần trong một số ngành nghề nhưng người học lại chọn ngành nghề theo phương thức truyền thống như là “nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa”, học để “lấy bằng cấp”, học theo “xu hướng ngành nghề” có nhu cầu cao ngắn hạn, chưa quan tâm đúng mức đến cơ hội nghề nghiệp thông qua các hoạt động hướng nghiệp; chưa chủ động và tích cực trang bị những kỹ năng và năng lực thực tiễn theo đòi hỏi của nhu cầu nguồn nhân lực hiện nay. Do vậy cơ hội nghề nghiệp dần dần sẽ thu hẹp khi nhu cầu của thị trường lao động bị thu hẹp hoặc bão hòa. Thêm vào đó là việc chưa có một dự báo quốc gia cụ thể về nhu cầu nguồn nhân lực, khuyến khích về tự chủ trong các cơ sở giáo dục đào tạo nhưng thiếu sự điều tiết về nhu cầu đào tạo theo ngành nghề và hỗ trợ việc làm sau tốt nghiệp mang tính hệ thống của các cơ quan chủ quản đã làm thu hẹp cơ hội việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp.

  1. MỘT SỐ MÔ HÌNH THỰC TIỄN VỀ HỖ TRỢ VIỆC LÀM CHO SINH VIÊN SAU TỐT NGHIỆP

3.1. Mô hình gắn kết “3 Nhà: Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp”

Đây là mô hình đã được phát triển và nhân rộng rất thành công tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm tăng cơ hội việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp, giúp việc đào tạo nghề đạt chất lượng cao, gắn với nhu cầu thị trường lao động. Bên cạnh đó, mô hình gắn kết “3 nhà” cũng là phương thức giúp người học được trải nghiệm các hoạt động thực tiễn tại các doanh nghiệp, các cơ sở thực hành đào tạo, các hoạt động thực tế của đơn vị đang có nhu cầu tuyển dụng sau đào tạo (nhà máy, xí nghiệp, công ty, tổ chức đoàn thể cơ sở, kinh tế xã hội, cơ sở đào tạo, cơ sở y tế, cơ sở dịch vụ…). Mô hình “3 Nhà: Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp” cũng là phương thức hiệu quả giúp kết nối người học với nhà tuyển dụng nhằm bảo đảm cơ hội việc làm sau tốt nghiệp và cũng giúp kết nối trở lại giữa nhà doanh nghiệp với nhà trường trong đào tạo liên tục và đào tạo nâng cao mang tính liên thông theo nhu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đóng góp vào phát triển ngành nghề được đào tạo.

Tuy nhiên trong định hướng tăng quyền tự chủ trong giáo dục đào tạo theo định hướng của Luật giáo dục, vai trò của Nhà nước trong mô hình “3 Nhà” dần dần thu hẹp nhằm tạo điều kiện và tăng tính chủ động cho các cơ sở đào tạo phát triển theo khuôn khổ quy định tại các khung chính sách và theo luật định. Thực tiễn cho thấy mô hình “3 Nhà” khi triển khai hiệu quả đã tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp trong hệ thống giáo dục đào tạo công lập hiện nay. Tuy nhiên, tại các cơ sở giáo dục đào tạo tư nhân hay xã hội hóa thì vai trò của Nhà nước lại mang tính giám sát định hướng và tạo điều kiện để giúp các cơ sở giáo dục đào tạo phát triển bền vững trong khuôn khổ pháp luật cho phép.

 3.2. Mô hình gắn kết “2 Nhà và 1 Người: Nhà trường – Nhà doanh nghiệp và Người học”

Đây là mô hình đã được phát triển và đạt được những thành công vượt bậc trong việc hỗ trợ và tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp. Mô hình này thường được các tập đoàn, các công ty đa quốc gia và quốc gia áp dụng trong tuyển dụng nguồn nhân lực theo đặt hàng của nhà doanh nghiệp cho các cơ sở đào tạo. Mô hình “2 Nhà và 1 Người” đòi hỏi sự chủ động của nhà doanh nghiệp trong chiến lược phát triển nguồn nhân sự nhằm tuyển chọn các đối tượng học sinh đáp ứng các tiêu chí, nhu cầu đào tạo theo ngành nghề của doanh nghiệp để gửi đi học vào các trường đại học, các trường nghề theo chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp và bảo đảm tối ưu nhất cơ hội việc làm sau tốt nghiệp. Mô hình này có ưu điểm là nhà doanh nghiệp và nhà trường gắn kết chặt chẽ với nhau trong việc xây dựng chương trình – giáo trình đào tạo phù hợp với thực tiễn, hạn chế tối thiểu yêu cầu đào tạo lại sau tuyển dụng.

3.3. Mô hình gắn kết “2 Nhà trong 1: Nhà trường trong Nhà doanh nghiệp”

Đây là mô hình khép kín được một số tập đoàn, tổng công ty đa ngành nghề ưa chuộng và rất hiệu quả trong bảo đảm 100% cơ hội việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp. Các tập đoàn lớn và nguồn lực cao thường lồng ghép nhà trường trong nhà doanh nghiệp thông qua hình thành các pháp nhân là các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực ở mọi cấp độ đào tạo nhằm phục vụ nhu cầu nguồn nhân lực của tập đoàn và các doanh nghiệp trực thuộc. Mô hình “2 Nhà trong 1” cũng đã được hình thành tại Việt Nam như việc thành lập các trường đại học và cao đẳng của các doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề nhằm chủ động nguồn nhân lực cho hoạt động doanh nghiệp, bảo đảm chất lượng tay nghề đầu ra theo chuẩn chung của khung năng lực và trình độ quốc gia, gắn liền với kỹ năng đặc thù của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, mô hình “2 Nhà trong 1” cũng sẽ rất thành công trong việc mở rộng nhu cầu đào tạo và bảo đảm việc làm sau tốt nghiệp cho sinh viên khi tham gia đào tạo cho các doanh nghiệp, các cơ sở kinh tế – xã hội có nhu cầu nguồn nhân lực tương tự. Đây là mô hình tiêu biểu cho việc bảo đảm cơ hội việc làm và hỗ trợ việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp khi theo học các các ngành nghề chuyên biệt và đặc thù (văn hóa, nghệ thuật, công nghệ thông tin, y tế chuyên ngành, vận tải và hàng không,…). Mô hình “2 Nhà trong 1” giúp giảm thiểu được nguồn lực đầu tư của Nhà nước và cộng đồng trong đào tạo nguồn nhân lực và luôn gắn kết với chính sách hỗ trợ việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp, tránh được lãng phí nguồn lực đầu tư tài chính của gia đình và xã hội, góp phần hạn chế tỷ lệ thất nghiệp.

3.4. Mô hình “ Nhà nước đặt hàng” đào tạo nguồn nhân lực

Đây là mô hình rất phổ biến trong giai đoạn trước đây trong đào tạo các ngành nghề đặc thù theo hình thức đặt hàng của Nhà nước, các bộ ngành chủ quản cho các cơ sở đào tạo công lập trực thuộc. Tùy theo nhu cầu nguồn nhân lực cho các ngành nghề đặc thù (y tế, văn hóa, giáo dục. nghệ thuật, quốc phòng…), Nhà nước đặt hàng đào tạo nhằm bảo đảm nhu cầu nguồn nhân lực cho các khu vực đặc thù (biên giới, hải đảo), vùng đặc thù (miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc…). Tuy nhiên theo chủ trương tăng quyền tự chủ và tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương (Nghị quyết 18-19/NQ-TW), hình thức đặt hàng đào tạo nguồn nhân lực nhằm hỗ trợ và bảo đảm cơ hội việc làm sau tốt nghiệp cho sinh viên hiện nay đã không còn nữa.

  1. CÁC GIẢI PHÁP MANG TÍNH CHÍNH SÁCH TRONG HỖ TRỢ VIỆC LÀM CHO SINH VIÊN SAU TỐT NGHIỆP

4.1. Cần có cơ chế – chính sách phục vụ cho việc xây dựng hệ thống dự báo nhu cầu nguồn nhân lực quốc gia

Việc dự báo nguồn nhân lực theo ngành nghề đào tạo theo chiến lược phát triển đất nước trong thời kỳ mới theo cơ chế thị trường – định hướng xã hội chủ nghĩa giúp các cơ sở đào tạo chủ động xây dựng khung chỉ tiêu đầu vào cho từng nghề theo từng giai đoạn, tránh đào tạo dàn trải, chạy theo số lượng làm thu hẹp cơ hội việc làm của người học sau đào tạo. Căn cứ vào khung chỉ tiêu nhu cầu nguồn nhân lực quốc gia, các cơ sở đào tạo có thể thực hiện việc liên kết vùng trong đào tạo, tận dụng nguồn lực lẫn nhau, giảm đầu tư của các cơ quan chủ quản và mở rộng cơ hội việc làm cho người học.

4.2.Cần có cơ chế – chính sách trong việc cụ thể hóa các chỉ tiêu phân luồng trong giáo dục đào tạo

Việc phân luồng sớm trong giáo dục và đào tạo bắt đầu từ trung học cơ sở, trung học phổ thông giúp điều chỉnh và cân đối lại nguồn nhân lực theo tỉ lệ hợp lý cử nhân đại học trên cao đẳng – trung cấp và lao động đã thông qua đào tạo. Tỷ lệ này hiện nay đang bị mất cân đối nghiêm trọng tại Việt Nam. Do vậy bên cạnh các cơ chế – chính sách nhằm hỗ trợ và tạo cơ hội việc làm cho người học sau đào tạo, các cơ sở giáo dục đào tạo cùng với gia đình và cộng đồng cần chủ động khuyến khích và tạo điều kiện cho học sinh – sinh viên tham gia vào các hoạt động hướng nghiệp nhằm khơi dậy lòng yêu nghề, khát vọng gắn bó với nghề nghiệp, góp phần đảm bảo tính ổn định và bền vững của cơ hội việc làm sau đào tạo.

 4.3. Cần cụ thể hóa các yêu cầu về bằng cấp chứng chỉ theo vị trí việc làm đúng với yêu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực

Hiện nay một bộ phận người học thường tập trung chủ yếu vào việc trang bị bằng cấp nhiều hơn là trang bị kỹ năng, năng lực thực hành nghề nghiệp và kinh nghiệm thực tiễn về môi trường làm việc, do vậy đã không nắm bắt được cơ hội nghề nghiệp từ nhà tuyển dụng, hoặc nhà tuyển dụng phải thực hiện việc đào tạo lại sau tuyển dụng. Do vậy việc xây dựng chính sách đồng nhất giữa khung vị trí việc làm theo khung trình độ quốc gia và các kỹ năng hỗ trợ là rất cần thiết nhằm tạo sự cân bằng về nguồn nhân lực và giúp tạo điều kiện hỗ trợ cơ hội việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp.

 4.4. Xây dựng cơ chế phối hợp trong phát triển các mô hình đào tạo nguồn nhân lực

Việc hoàn thiện cơ chế – chính sách bảo đảm cho các mô hình gắn kết, liên kết trong đào tạo nhằm hỗ trợ và tạo cơ hội việc làm cho người học sau đào tạo một cách có hiệu quả là rất cần thiết. Đặc biệt theo mô hình “3 nhà: Nhà nước – nhà trường – nhà doanh nghiệp” được ưa chuộng hiện nay thì vai trò chủ đạo của Nhà nước là xây dựng khung pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho sự gắn kết giữa nhà trường và nhà doanh nghiệp theo mục tiêu đôi bên cùng có trách nhiệm trong đào tạo nguồn nhân lực, trong tuyển dụng nguồn nhân lực được đào tạo và mở rộng cánh cửa cơ hội việc làm cho người học. Thực trạng hiện nay cho thấy vai trò của doanh nghiệp tham gia vào đào tạo và tuyển dụng trở lại nhân lực do chính doanh nghiệp đào tạo là còn rất hạn chế. Hạn chế này do bởi thiếu cơ chế – chính sách quy định chức năng nhiệm vụ của doanh nghiệp ngoài việc sản xuất ra giá trị thặng dư là phải có trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực cho chính mình và cho cộng đồng.

Thực tiễn cho thấy rằng, mô hình “3 nhà: Nhà nước – nhà trường – nhà thương (bệnh viện)” trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực y tế có thể được xem như là mô hình tiêu biểu trong đào tạo nguồn nhân lực y tế ở mọi trình độ nhằm tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp ngành y. Mô hình “3 nhà” trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực y tế nhằm hỗ trợ và tạo cơ hội việc làm cho sinh viên đã phát triển rất tốt trong thời gian qua là nhờ vào các văn bản pháp luật được các cơ quan chủ quản trong bộ máy Nhà nước ban hành nhằm quy định một trong những chức năng cụ thể của bệnh viện (nhà thương) là phải tham gia đào tạo nguồn nhân lực y tế (Quy chế bệnh viện) và phải được công bố là cơ sở đào tạo thực hành theo luật định (Nghị định 111/2017/NĐ-CP).

Do vậy, để có sự gắn kết sâu rộng và hiệu quả giữa nhà trường và nhà doanh nghiệp trong mô hình “3 nhà” thì cần phải có quy chế phối hợp giữa nhà trường & nhà doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực, nhằm hỗ trợ và tạo cơ hội việc làm sau đào tạo thông qua cơ chế cam kết tuyển dụng theo nhu cầu phát triển của doanh nghiệp. Đặc biệt vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, các liên đoàn nghề nghiệp trong việc xây dựng và ban hành các quy chế, quy định về nhiệm vụ đào tạo trong doanh nghiệp là rất cần thiết. Việc gắn kết chức năng đào tạo trong doanh nghiệp tạo điều kiện cho người học được tiếp cận tốt nhất với cơ hội việc làm sau đào tạo nhờ vào việc được tiếp cận với điều kiện làm việc và các kỹ năng yêu cầu khi được tuyển dụng. Sự tham gia tích cực và chủ động của doanh nghiệp trong đào tạo kỹ năng thực hành và thông qua việc góp ý, bổ sung và hoàn thiện chương trình đào tạo giúp mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho người học nhờ vào tính phù hợp theo yêu cầu tuyển dụng sau đào tạo.

Tóm lại, hỗ trợ việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp là một yêu cầu thực tiễn cấp thiết nhằm giúp tạo nguồn nhân lực đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, giảm tỷ lệ thất nghiệp sau đào tạo. Do vậy các cơ sở đào tạo và đơn vị sử dụng nguồn nhân lực được đào tạo cần phải có sự liên kết chặt chẽ trong công tác đào tạo và tuyển dụng nhằm mở rộng cánh cửa cơ hội việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp. Bên cạnh đó, vai trò chủ đạo của Nhà nước trong việc định hướng và điều tiết nguồn nhân lực theo chiến lược phát triển đất nước ở từng giai đoạn khác nhau là rất quan trọng trong việc duy trì tính bền vững của cơ hội việc làm sau đào tạo. Ngoài ra, hỗ trợ việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp cũng cần có sự tham gia chủ động và tích cực của người học, của mỗi gia đình, cộng đồng và các tổ chức đoàn thể xã hội./.

GS.TSKH. Dương Quý Sỹ – Ủy viên Hội đồng Quốc gia giáo dục & Phát triển Nhân lực

Hiệu trưởng Trường CĐYT Lâm Đồng – Chủ tịch Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam