TẠI SAO NÊN CHỌN NGÀNH DƯỢC?

Dược sĩ là một trong những ngành cao quý và có vai trò quan trọng trong việc chăm lo sức khỏe con người. Với nhiều triển vọng tốt và luôn đòi hỏi một lực lượng lao động chất lượng cao để chăm sóc sức khỏe cộng đồng, theo học ngành Dược đang trở thành xu thế lựa chọn của khá nhiều bạn trẻ.

Dược sĩ là những người thực hành nghề dược (làm công tác chuyên môn về dược hoặc hành nghề dược) trong ngành Y tế. Họ cũng tham gia vào quá trình quản lý bệnh tật qua việc tối ưu hóa và theo dõi việc điều trị dùng thuốc hoặc giải thích các kết quả xét nghiệm lâm sàng, thông qua kết hợp với thầy thuốc hoặc các nhân viên y tế khác.
Tại các cơ sở khám chữa bệnh các dược sĩ (dược sĩ lâm sàng) giới thiệu các thuốc mới (đặc biệt là thuốc kê đơn) cho các thầy thuốc, hoặc tư vấn về sử dụng thuốc và sức khỏe cho người dân và cộng đồng nơi nhà thuốc hoạt động (dược sĩ làm việc tại các nhà thuốc cộng đồng-nhà thuốc cộng đồng là những nơi chúng ta vẫn thấy bán lẻ thuốc thành phẩm). Các dược sĩ cũng là một chuyên gia về thuốc, chuyên gia về các xét nghiệm sinh hóa cận lâm sàng khi tham gia vào quyết định dùng thuốc ở các trường hợp đặc biệt trong các cơ sở trên (dược sĩ tham gia hội đồng tư vấn thuốc và điều trị).
Ngoài ra dược sĩ còn làm việc trong ngành sản xuất dược phẩm (công nghiệp bào chế), ngành kinh doanh (phân phối và cung ứng thuốc), các cơ sở kiểm tra chất lượng thuốc (kiểm nghiệm thuốc Quality Control QC) hoặc công tác đảm bảo chất lượng thuốc (Quality Assurance QA) tại các cơ sở sản xuất kinh doanh dược phẩm, dược sĩ cũng làm việc tại các cơ sở bảo quản thuốc, nghiên cứu thuốc mới (Research and Development), quản lý nhà nước, giảng dạy tại các cơ sơ đào tạo Y Dược và trong quân đội.
Dược sĩ là ngành liên quan đến thuốc thang, luôn đặt tính mạng con người lên hàng đầu. Chính vì vậy, dược sĩ phải nắm vững kiến thức chuyên môn để tư vấn cho bệnh nhân của mình và hỗ trợ cho các y bác sĩ trong quá trình thăm khám và kê thuốc chữa bệnh. Sinh viên học ngành Dược sẽ được đào tạo những kiến thức về dược lý, cơ chế tác dụng của thuốc, sự chuyển hóa thuốc trong cơ thể, những phản ứng bất lợi của thuốc, sự tương tác qua lại giữa các loại thuốc, kết hợp các loại thuốc nhằm đạt hiệu quả cao trong điều trị bệnh cho con người. Việc nắm vững những phản ứng bất lợi của thuốc hay các tương tác qua lại khi kết hợp sử dụng các loại thuốc với nhau rất quan trọng, giúp cho thầy thuốc có thể đưa ra những phương án chữa bệnh hiệu quả, tối ưu và an toàn nhất cho người dùng.
Mỗi viên thuốc nhỏ bé là một phát minh kỳ diệu của loài người trong cuộc chiến đấu chống lại bệnh tật. Do đó, Dược được liệt kê vào danh sách những nghề cao quý nhất, gắn liền với thiên chức bảo vệ con người và nâng cao chất lượng cuộc sống. Hiển nhiên, một thuốc (hoặc bất kỳ phương pháp điều trị nào) chỉ nên được sử dụng khi có lợi cho bệnh nhân. Lợi ích bao gồm cả khả năng của thuốc mang lại kết quả mong muốn (hiệu quả) lẫn mức độ và khả năng có thể xảy ra các tác dụng không mong muốn (an toàn). Ngành Dược học đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu và phát triển các loại thuốc để cải thiện sức khỏe và chữa trị bệnh tật. Đến với ngành Dược, bạn sẽ có cơ hội để đóng góp sức lực, trí tuệ của mình trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân

Cơ hội việc làm dược sĩ
Hiện nay, sự thiếu hụt nhân lực ngành Dược tại các bệnh viện, trung tâm y tế hay các công ty dược phẩm càng trở nên trầm trọng. Chính vì nhu cầu cao về nhân lực mà việc tuyển dụng dược sĩ đang nhận được rất nhiều sự quan tâm.
Sau khi tốt nghiệp, Dược sĩ có thể đảm nhận ở nhiều vị trí khác nhau như:
 Làm việc tại Bệnh viện: Dược sĩ lâm sàng chịu trách nhiệm cung ứng đảm bảo chất lượng thuốc cả về số lượng lẫn chất lượng, tư vấn với Bác sĩ trong việc kê đơn, cảnh báo tương tác thuốc, hướng dẫn sử dụng thuốc cho những đối tượng đặc biệt…
 Làm việc tại cơ sở sản xuất: Dược sĩ sẽ nghiên cứu quy trình sản xuất, công thức, dạng bào chế, hoạt chất mới, theo dõi quy trình sản xuất, đảm bảo thuốc sản xuất ra đạt chất lượng, nuôi trồng, chiết xuất dược liệu,…
 Làm việc tại các trường Y Dược: công tác tại khoa dược của các trường Y Dược với vai trò là giảng viên, kỹ thuật viên,…
 Làm việc tại viện, trung tâm kiểm nghiệm: Dược sĩ có vai trò kiểm tra chất lượng thuốc, phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng,…
 Tại cơ sở kinh doanh: Dược sĩ làm việc tại các cơ sở bán lẻ (Nhà thuốc), bán buôn (công ty phân phối) hay công ty nhập khẩu.
 Ngoài ra sinh viên sau khi ra trường còn có thể đảm nhận với nhiều vai trò như: trình Dược viên, nhân viên tư vấn Dược, …..
Người theo học ngành Dược cần có kiến thức chuyên môn vững vàng, rèn luyện đức tính kiên nhẫn và tỉ mỉ, kỹ năng giao tiếp tốt, tích cực học hỏi, tâm huyết, yêu nghề, tư duy sáng tạo và khả năng phân tích, khả năng xử lý vấn đề nhanh chóng … Dược sĩ phải có tinh thần tập trung và tính chính xác cao trong công việc vì phải đưa ra những quyết định ảnh hưởng đến sinh mạng con người, tìm tòi để nghiên cứu và phát triển các loại thuốc mới… Và quan trọng nhất vẫn là y đức phải luôn được đặt lên hàng đầu đối với người học Dược.