VỊ THUỐC DÂU TẰM

Hàng năm, cứ vào khoảng cuối tháng 3 đầu tháng 4 là thời điểm dâu tằm chín rực. Ở miền Bắc, dâu tằm được trồng nhiều ở khu vực bãi bồi ven sông Hồng, sông Đáy, sông Thái Bình… Ở miền Nam, dâu được trồng ở Đà Lạt (Lâm Đồng) và một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Tên khác: Cây tầm tang, cây mạy môn
+ Tên khoa học: Morus alba L. Morus acidosa
+ Họ: Dâu Moraceae

I. Mô tả cây dâu tằm
+ Đặc điểm sinh thái của cây dâu tằm
Dâu tằm là loại cây gỗ nhỏ, có chiều cao trung bình khoảng 3m. Thân cành mềm, có lông khi còn non nhưng khi trưởng thành, thân nhữ và có màu xám trắng. Vỏ thân có nốt sần và có mù trắng như sữa. Lá dâu tằm mọc so le và có hình bầu dục, hình trứng nhộng hoặc hình tim. Phiến lá mỏng, lá có mũi nhọn ở đầu, mềm, có chiều dài 5 – 10 cm và rộng 4 – 8 cm. Mép lá có răng cưa, mặt trên có màu lục xám hoặc lục sẫm, mặt dưới có màu lục nhạt. Lá có nhiều gân với gân lớn chạy từ cuống lá và các gân nhỏ nổi hình mạng lưới, có lông tơ mịn rải rác trên gân lá.
Hoa đơn tính, có thể cùng hoặc khác gố. Cụm hoa đực dài 1,5 – 2 cm, có cuống ngắn, có lông thưa và 4 lá đài tù với 4 nhị đối diện các lá đài. Hoa cái có 4 lá đài, có bầu 1 ô, 1 noãn. Quả bế, mọng nước được bao bọc trong các lá đài đồng trưởng. Quả khi sống có màu trắng xanh và chín có màu đỏ hồng hoặc đen với chiều dài 1 – 2 cm và đường kính 7 – 10 mm. Cuống quả dài 1 – 1,5 mm, có vị ngọt và hơi chua.
+ Phân bố
Cây mọc nhiều ở các vùng miền trên cả nước như Lâm Đồng, Hà Tây – Hà Nội, Nghệ An, Bắc Ninh,…
+ Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản
Bộ phận dùng: Lá dâu tằm (tang diệp), quả dâu tằm (tang thầm), rễ dâu tằm (tang bạch bì), cây mọc ký sinh trên cây dâu tằm (tang ký sinh), tổ bọ ngựa trên cây dâu (tang phiêu tiêu)
Thu hái: Quả dâu tằm hái vào cuối tháng ba, đầu tháng tư. Lá thu hoạch bất kỳ thời điểm nào trong năm
Chế biến: Lá và thân sau khi thu hái về đem rửa sạch và phơi khô dùng làm thuốc, còn quả chín dùng ngâm rượu
Bảo quản: Nơi khô thoáng, tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp
+ Thành phần hóa học
Quả dâu tằm tươi có 88% là nước và 9.4% carb, 1.4% protein, 0.4% chất béo, 1.7% chất xơ. Còn khi khô, chúng chứa 14% chất xơ, 3% chất béo, 70% carb, 12% protein. Bên cạnh đó, quả dâu tằm chứa nhiều carotene và các vitamin như vitamin K1, E, C, acid folic và acid folinicm. Đặc biệt, chúng còn chứa nhiều khoáng chất như kali và sắt. Ngoài ra, quả dâu tằm còn chứa nhiều hoạt chất chống oxy hóa như flavonoid, isoquercetin, polyphenol.

II. Vị thuốc dâu tằm
+ Tính vị
Tang bạch bì: Có vị ngọt, tính mát
Tang diệp: Vị ngọt, đắng, tính mát
Tang thầm: Vị ngọt và tính mát
+ Công dụng của cây dâu tằm
Tang bạch bì: Vỏ rễ có tác dụng chữa ho có đờm, ho lâu ngày, sốt. Đồng thời còn dùng làm thuốc lợi tiểu
Tang diệp: Có tác dụng chữa cảm mạo, sốt, an thần, huyết áp cao, cho ra mồ hôi và tiêu đờm
Tang ký sinh: Chữa đau lưng, an thai, bổ gan thận, chữa đau mình
Tang phiêu tiêu: Chữa đi tiểu nhiều lần, lợi tiểu, liệt dương, di tinh hoặc trẻ con đái dầm
+ Cách dùng và liều lượng
Cách dùng: Tang diệp sắc thuốc hoặc nấu canh, tang thầm ngâm rượu
Liều dùng: Tang diệp, tang bạch bì 6 – 18 gram dưới dạng thuốc sắc, tang thầm 12 – 20 gram làm nước giải khát, tang ký sinh 12 – 20 gram thuốc sắc
III. Bài thuốc chữa bệnh từ dâu tằm theo kinh nghiệm dân gian
+ Chữa cao huyết áp
Sử dụng 1 nắm lá tang diệp đem rửa sạch và thái nhỏ. Cá diếc được làm sạch nhớt bề mặt bằng muối và không mổ bụng. Sau đó, đem luộc cá rồi gỡ lấy thịt nấu canh với lá tang diệp. Ăn cả nước và cái giúp ổn định huyết áp.
+ Chữa tiểu đường
Dùng tang thầm đem ép lấy nước và cô đặc thành cao. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 5 gram. Liều dùng dao động trong ngày có thể từ 12 – 20 gram.